Một bộ phận doanh nghiệp Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển sang Đông Nam Á và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu.
Trong khi hàng chục tỉ USD rút khỏi các nước ASEAN thì Việt
Nam (VN) vẫn thu hút được tới 1,5 tỉ USD chỉ trong sáu tháng đầu năm nay.
Nhà đầu tư nước ngoài tin
Việt Nam
Ngày 4-12, Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) VN (VBF) cuối kỳ 2018
đã diễn ra tại Hà Nội. Trước khi đưa ra những nhận định tích cực về kinh tế
nước ta, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn, không quên
chúc mừng VN vừa thắng Philippines ở bán kết AFF Cup.
Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn cho hay nhiều nhà đầu
tư trong nước lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi VN. Thực tế
trong sáu tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài rút 5,6 tỉ USD khỏi thị
trường Thái Lan, 3,7 tỉ USD khỏi Indonesia, 1,6 tỉ USD khỏi Philippines… nhưng
lại đổ 1,5 tỉ USD đầu tư vào VN.
“Điều này cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt lòng tin
vào VN” - nhóm công tác nhận định. Đặc biệt, thị trường vốn VN đã tăng trưởng
đáng kể trong mấy năm qua, cả về tổng giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu
và thị trường cổ phiếu, từ mức 70 tỉ USD tăng lên 200 tỉ USD.
Mặt khác, ông Scriven nhận định: Thông qua quá trình cổ
phần hóa, thoái vốn trong năm qua, ngân sách nhà nước thu về gần 10 tỉ USD.
“Việc Chính phủ trình Quốc hội Luật Chứng khoán sửa đổi là hết sức phù hợp, kịp
thời” - ông Scriven nhận xét.
Tuy nhiên, sau đó ông Scriven đã nêu một số mâu thuẫn giữa
Luật Chứng khoán với Luật Đầu tư và nhấn mạnh rằng cần phải điều chỉnh lại
những quy định chưa phù hợp, vì VN chưa phát triển các định chế tài chính đủ
mạnh để kêu gọi vốn.
Bên cạnh
đó, nhóm Công tác thị trường vốn cũng khuyến cáo VN không nên quá lo lắng việc
mất kiểm soát vì VN vẫn có thể thu hút tương đối nhanh dòng vốn nếu có thêm các
quy định về bảo vệ tài sản của nhà đầu tư.
Phản hồi về vấn đề này, Phó Chủ
tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn khẳng định: “Thị trường chứng
khoán VN đã có độ mở lớn, nhiều lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài đã được sở hữu
100%. Về nâng hạng thị trường, hiện nay thị trường của chúng ta đang ở mức cận
biên. Theo sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sắp tới cố gắng được nâng hạng
lên thị trường mới nổi”. Ông Sơn cũng lưu ý dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đang
tiếp tục được lấy ý kiến rộng rãi.
Quan trọng là biết tận dụng cơ hội
Những rủi ro lẫn cơ hội của
cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng là vấn đề được nêu ra tại diễn đàn.
Đại diện Hiệp hội DN Mỹ tại VN (AmCham), ông Michael Kelly, cho biết một cuộc
khảo sát gần đây của AmCham tới các công ty Mỹ ở Trung Quốc cho thấy 1/3 đã di
dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài
trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại.
Một cuộc khảo sát riêng biệt
của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cũng chỉ ra một nửa đang cân
nhắc việc di dời và Đông Nam Á, trong đó có VN là lựa chọn hàng đầu của họ.
“Trung Quốc vẫn sẽ là một thành
viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng
việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra
khỏi Trung Quốc và VN đang có được lợi ích từ một số DN đó. Câu hỏi đặt ra là
làm thế nào để VN có thể tận dụng triệt để cơ hội này nhằm tiếp tục giữ vững
tốc độ kinh tế tăng trưởng kinh tế nhanh chóng” - đại diện AmCham nêu vấn đề.
Thực tế cho thấy VN thu hút
được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhà chức trách đang đặt câu
hỏi rằng liệu việc có nhiều DN nước ngoài tại VN là thật sự tốt cho nền kinh tế
VN hay không. Ví dụ, một đại biểu Quốc hội gần đây đã nói: “Với các DN có vốn
đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu, VN sẽ bị ảnh hưởng
khi những DN này rút khỏi VN” - đại diện AmCham dẫn chứng.
Từ đó,
AmCham kết luận rằng: Không có lý do gì để các công ty rời khỏi VN nếu các thủ
tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả được kiểm soát, khung pháp lý và thuế của
quốc gia ổn định, có thể tiên lượng được. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài
cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong
tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây.
Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc,
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), nhận định: Căng thẳng
thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang cũng là cơ hội cho VN. Một bộ phận DN Mỹ
đang có xu hướng dịch chuyển sang Đông Nam Á và VN là lựa chọn hàng đầu.
“Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là
cơ hội. Chìa khóa để tận dụng xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu vẫn phụ
thuộc vào nỗ lực cải cách thể chế trong nước. Từ việc cắt giảm điều kiện kinh
doanh, bãi bỏ giấy phép con, thiết lập hành lang pháp lý cho đối tác công-tư...
vẫn là những vấn đề khiến cộng đồng DN lo ngại” - ông Lộc thẳng thắn.
(Theo http://soha.vn)